“Không thể tin được” anh chồng đòi chia từ 3000 đồng gửi xe khi vợ đi viện
Sởn da gà với anh chồng đòi chia từ 3000 đồng gửi xe khi vợ đi viện Chị có thể hiểu được khi anh chia tiền với chị từ cái tăm, cọng hành… nhưng...
Nội dung bài viết
Sởn da gà với anh chồng đòi chia từ 3000 đồng gửi xe khi vợ đi viện Chị có thể hiểu được khi anh chia tiền với chị từ cái tăm, cọng hành… nhưng đến ngay cả khi chị ốm đau anh cũng chẳng buông tha với bài toán chi tiêu chuẩn xác đến từng trăm lẻ như thế thì chị còn cố gắng vì điều gì.
Chị Phương lấy chồng khi anh Lâm đã qua một đời vợ. Làm "tập 2" của chồng nhưng chị nghĩ chuyện gì là quá khứ thì sẽ không nhắc tới nữa. Thế nhưng, với anh Lâm dường như quá khứ vẫn hiện hữu trong cuộc đời anh. Dù không mấy khi nhắc tới vợ cũ nhưng mọi hành động của anh Lâm đều có ý dè chừng kiểu sống với nhau cũng chẳng biết có đi cùng đến cuối con đường hay không.
Điển hình nhất của việc này là ngay khi cưới anh Lâm tuyên bố dù sống chung nhưng tiền ai người nấy tiêu, mọi phí sinh hoạt chung để chia đôi. Anh nói rõ: “Anh không phải là người hẹp hòi gì, trước đây anh cũng chưa từng làm thế nhưng cuộc đời đã dạy anh sòng phẳng ngay từ đầu là hơn”. Chị dù sốc nhưng biết anh làm thế vì sau khi chia tay người vợ đầu anh bị đuối lý khi chia tài sản chung, song đến tận giờ anh có vẻ vẫn vô cùng cay cú chuyện đó. Chị có tranh cãi lại với anh nhưng vô ích, anh nói là dù thế nào anh cũng không thay đổi quyết định. Vừa mới kết hôn chị cũng chẳng thể nào lại cắp quần áo ra đi, cũng đành chấp nhận.
Ảnh minh họa
Từ đó thì đầu óc chị không thể nào yên tĩnh một ngày nào được nữa vì hôm nào cũng có bài toán chi tiêu được đặt ra. Anh cũng sợ chị khai khống nên nói ngày nào chia tiền ngày đó, chứ không đợi đến cuối tháng cộng tổng rồi mới chia như cách của chị. Lương của anh được 15 triệu, lương chị 5 triệu, nhưng anh không quan tâm ai nhiều, ai ít bởi ai có nhiều người ấy hưởng nhiều không nên ghen tị. Hôm nay, chị đi chợ hết 150 ngàn, anh đưa 75 ngàn. Có hôm chị nói đi chợ hết 250 ngàn, anh còn hỏi chi tiết từng món bao nhiêu và bảo sao thịt lại mua đắt thế, bình thường anh mua giá chỉ bằng 2/3 mức đó. Bởi vậy, anh quyết định anh sẽ là người đi chợ. Đến nước này chị cũng tặc lưỡi, ừ thì càng nhàn thân mình.
Thế nhưng, khi nào anh đi chợ thì chị không thể biết nấu món ăn như thế nào, vì ngày nào cũng chỉ có thịt lợn ba chỉ và mớ rau muống. Chị nín nhịn đến 1 tuần thì không thể chịu đựng hơn được nữa.Chị bảo với chồng, nếu anh thích sòng phẳng như thế thì ai đi chợ và nấu gì người đó tự ăn, chị không thể chịu đựng được “thực đơn” của anh. Anh Lâm bỗng nổi giận: “Em nói thế thì còn gì là vợ chồng nữa, khác gì 2 kẻ thuê chung nhà trọ”. Chị chỉ muốn xách quần áo bước ngay ra khỏi cái nhà có người chồng tội nợ ấy. Nhưng chị nhớ tới lời khuyên của mẹ, con gái lấy chồng phải chịu đựng, như mẹ chị đã phải chịu đựng bố chị với những trận say bí tỉ, những lần nhiếc móc, đánh đập gần như một đời làm vợ. Mẹ chị đã chịu đựng được thì lý gì mình lại không? Anh Lâm tuy thế nhưng có cái nhà to, rộng, chị không tính toán lấy anh để được cái nhà, nhưng dù sao giờ lại bắt đầu với cái nhà trọ và cuộc sống như cũ thì chị cũng không muốn.
Ngậm bồ hòn làm ngọt chị lại tiếp tục ăn cơm thịt ba chỉ qua ngày. Có ngày nghĩ tủi nhục chị vừa ăn vừa khóc. Dù anh Lâm chưa từng có hành động gì xấu khác, trừ việc chi tiêu hà tiện và chia đôi mọi khoản chi chung.
Cho đến một hôm chị bị đau bụng, phải vào viện lúc nửa đêm. Anh Lâm cũng sốt sắng đưa vợ vào viện khiến chị có phần cảm động. Anh quan tâm, săn sóc còn hơn bất cứ ông chồng nào khác. Chị nghĩ thì thôi coi như mình được bù lại phần nào ở người chồng tốt. Chị được về nhà ngay sau đó khi bác sỹ cho uống một liều giảm đau và kết luận không rõ nguyên nhân.
Đang nằm thiu thiu trên giường, bỗng thấy chồng chị đi vào, anh bảo: “Hôm nay tiền viện phí hết 280 ngàn, 3 ngàn gửi xe, em đau bụng nhưng là vợ anh nên anh vẫn chi 1 nửa, em đưa anh 141.500 đồng. Gần 12 giờ đêm rồi để anh chốt sổ”. Chị chết lặng với màn tính toán rạch ròi của chồng. Chị có thể hiểu được khi anh chia với chị từ cái tăm, cọng hành… nhưng đến ngay cả khi chị ốm đau anh cũng chẳng buông tha với bài toán chi tiêu chuẩn xác đến từng trăm lẻ như thế thì chị còn cố gắng vì điều gì. Cuộc đời chị không thể để bị tù đày trong những con số như thế.
Ý nghĩ thoáng qua nhưng chị hành động rất nhanh. Chị từ từ ngồi dậy lấy ví, đưa tiền và nói với chồng: “Lần này em đau bụng, không liên quan đến anh nên em sẽ chịu mọi phí thanh toán. Em gửi anh 300 ngàn, anh cứ giữ lại tiền thừa. Em sẽ không ngồi đây đợi vì khi anh chết, ai sẽ chia tiền quan tài với em. Coi như chúng ta chưa từng có cuộc hôn nhân này. Em sẽ đi ngay ngày hôm nay”. Mặt Lâm thoáng tái đi, nhưng anh vẫn giữ bình tĩnh phân trần rằng anh làm thế chỉ vì muốn giữ một mối quan hệ lâu dài.
Cho đến khi chị kéo va-li ra khỏi nhà anh mới tin là chị làm thật. Anh đứng ở bậc thềm khóc lóc và xin chị tha thứ, anh sẽ hủy luật đã đưa ra. Nhưng chị quả quyết không quay đầu lại, lời xin lỗi này đã quá muộn rồi.
Theo Thảo Nguyên / Trí Thức Trẻ