Chuyện dâu đẻ… chăm mẹ chồng
Đang ở trong những ngày mang thai cuối cùng thì chồng hay phải đi công tác, sợ lúc sinh không có ai bên cạnh nên vợ chồng Phương nhờ mẹ anh ra ở cùng cô. Hơn...
Nội dung bài viết
Đang ở trong những ngày mang thai cuối cùng thì chồng hay phải đi công tác, sợ lúc sinh không có ai bên cạnh nên vợ chồng Phương nhờ mẹ anh ra ở cùng cô. Hơn nữa, cơ thể Phương đã bắt đầu đến giai đoạn mệt mỏi, ì ạch, lại vẫn phải đi làm, vợ chồng cô hy vọng mẹ chồng sẽ đỡ đần được việc nhà để con dâu được nghỉ ngơi, dưỡng sức chờ ngày đi đẻ. Ai dè kể từ khi có mẹ chồng ra ở cùng, nhàn đâu chẳng thấy, chỉ thấy Phương còn “cực” hơn nhiều.
Lúc có hai vợ chồng, sáng nào Phương cũng được ngủ đến 7h mới dậy, chuẩn bị xong thì đi ăn sáng rồi đi làm. Từ lúc bà lên, ngày nào bà cũng gõ cửa phòng từ... 5h sáng, bảo con dâu dậy đi bộ thể dục cho dễ đẻ, mặc dù rất nhiều lần Phương tâm sự rằng bây giờ cô bụng to, đêm thường xuyên bị mất ngủ. Không chỉ có vậy, mỗi lần cô mua đồ ăn sáng ở ngoài về, bà đều tỏ ra phật ý, hôm thì chê không ngon, không đảm bảo, thậm chí bà còn gọi điện trách chồng cô: "Ngày trước sáng tao vẫn đi gặt cả sào ruộng, trưa đi đẻ luôn thì có làm sao, vợ mày bây giờ cả bữa ăn sáng cũng không làm nổi à". Mà khổ nỗi tính bà lại cầu kì ăn uống, nên Phương còn phải đổi món liên tục: "Có ngày bà bảo thích ăn cháo trai, bún cá, mình đi làm về mệt còn phải lúi húi chuẩn bị cả tối để sáng mai kịp nấu đồ ăn cho bà" – Phương kể.
Kể từ khi có mẹ chồng ra ở cùng, nhàn đâu chẳng thấy, chỉ thấy Phương còn “cực” hơn nhiều (Ảnh minh họa)
Nhà có máy giặt, nhưng bà kiên quyết không cho dùng vì sợ bẩn, sợ hỏng quần áo. Thương vợ bụng to vượt mặt, ngồi còn thở chẳng ra hơi, chồng Phương phân tích hết lời thì bà bảo: "Của chúng mày thì tuỳ, sao cũng được, nhưng đồ của mẹ thì phải giặt tay". "Làm đi cho dễ đẻ" là câu mà mẹ chồng thường xuyên nói khi Phương dùng máy móc để làm việc nhà.
Sau khi sinh con xong, đêm đầu tiên trong viện, chỉ có mẹ chồng ngủ lại cùng hai mẹ con, Phương còn đau nhiều nên khi con khóc đòi ăn, Phương gọi bà dậy nhờ pha hộ bình sữa. Chỉ có vậy thôi mà bà gằn giọng: "Đẻ cả ngày trời rồi cứ nằm mãi làm gì nữa, dậy vận động đi cho khỏi dính ruột". Ôm con cho ăn, mà nước mắt Phương ướt cả áo, vì đau, vì tủi, quay sang bên cạnh nhìn thì thấy mẹ chồng đã ngủ từ lúc nào. Cho con ăn xong cô lại dậy, cố lết vào nhà vệ sinh rửa cốc, rửa bình.
Những ngày sau đó, việc duy nhất mẹ chồng làm giúp Phương là đi chợ, còn lại là ngồi một chỗ bế cháu. Bà bảo: "Trước mẹ đẻ chồng mày hôm trước, hôm sau đã xuống bếp đun nước nấu cơm chứ nhà làm gì có ai phụ giúp. Mà còn đun bếp rơm, bếp rạ khói cay mắt cũng có làm sao, bây giờ sướng nên cứ bày đặt kiêng với chả khem". Chồng đi công tác xa nhà, ban ngày Phương cơm nước, giặt giũ cho con, cho con ăn uống, đêm lại vật lộn với con một mình vì bà cứ đều đều 9h là đã lên giường đi ngủ, Phương e dè không dám gọi. Vậy mà sau một tuần ở nhà "chăm" con dâu, "chăm" cháu nội, đến hôm con trai về, bà đùng đùng lăn ra... ốm nặng, cả ngày chỉ nằm một chỗ rên hừ hừ vì "Đêm hôm chẳng ngủ được mấy, bữa lại chẳng ăn được gì, người mẹ như kiệt sức ấy con ạ". Xót mẹ, chồng Phương cuống quýt đi mua nào sữa, nào chim bồ câu về sai vợ tần cho mẹ ăn để… "lấy lại sức".
Ban ngày Phương thì cơm nước, giặt giũ cho con, cho con ăn uống, đêm lại vật lộn với con một mình (Ảnh minh họa).
"Đẻ xong, một miếng ngon chẳng được, một lời hỏi thăm chẳng có. Hễ có mở lời than thở điều gì là chồng lại bênh mẹ chằm chặp, lại bảo bà sức khỏe yếu nên thôi vợ phải cố" - Phương buồn bã chia sẻ.
Cũng từ hôm ấy, với lý do là mệt, là ốm, việc chợ búa mẹ chồng Phương cũng “nhường” luôn cho con dâu. Phương ra ngoài, gặp ai cũng bảo cô liều, "không biết giữ biết gìn sau này khổ" mà cô chỉ biết cười trừ, chẳng biết phải giải thích thế nào. Nhiều hôm con trai về, đến ăn cơm bà cũng kêu chóng mặt không đi được cầu thang nên không xuống được, mà phải bê lên tận nơi, ăn xong con dâu lại phải lên dọn dẹp.
"Người ngoài mà đến chơi, có khi lại tưởng mẹ chồng mình mới là... gái đẻ” - Phương thở dài, nói.